Tin Tức

Trữ cam bằng kho lạnh để cung cấp cho thị trường cả nước quanh năm

Với ước mong đưa công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp, ông đã lặn lội về xuôi tìm hướng cung ứng cam cho thị trường quanh năm…Trăn trở ấy đã hình thành ý tưởng tích trữ cam bằng kho lạnh để cung cấp cho thị trường cả nước. 

Sẵn nghiệp buôn

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Đào Trọng Tuệ, thôn Phù Yên, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã nổi tiếng cả vùng khi là dân buôn cam thứ thiệt. Dạo ấy, giao thông còn khó khăn lắm, con đường đến Phù Lưu gồ ghề khó đi, ấy vậy mà vợ chồng ông vẫn miệt mài đưa cam về đất cảng Hải Phòng, “đất thép” Thái Nguyên. Có thể vì thế mà người xuôi biết về vị cam Hàm Yên nhiều hơn để giờ đây từng đoàn xe “ba chân, bốn chân” nối đuôi nhau đưa cam về siêu thị, vào bữa ăn của mỗi gia đình.

Ông Đào Trọng Tuệ (bên trái), thôn Phù Yên, xã Phù Lưu (Hàm Yên) tại kho bảo quản cam bằng phương pháp sinh học của gia đình.

Hai vợ chồng ông vốn làm công nhân Lâm trường Tân Thành, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông đi khắp các vườn cam của bà con trong xã để chọn cam mang về xuôi bán. Dạo ấy, thị trường không khó tính như bây giờ nhưng ông cũng tự ý thức được việc giữ thương hiệu sản phẩm cam của địa phương mình. Những vườn cam đẹp mã, ngọt ngon, ông thu mua cả. Rồi huy động anh em, người thân vào cuộc thu hái cam tại vườn. Ông thường dặn người làm, phải biết nâng niu từng trái cam, tránh bị dập nát làm cho nhanh hỏng, mất đi vị ngọt thanh. Người làm cho ông khéo léo lượm từng quả cam trên cành, nhẹ nhàng đặt vào sọt. Làm thế quả là mất công đấy nhưng cái gì cẩn thận cũng không thừa, kể cả chuyện hái cam - Ông Tuệ nói. Vậy nên, cam ông bán được giá hơn lái buôn khác cũng vì lẽ đó. 

Ông phấn khởi khoe: “Cứ nghe cam Hàm Yên về là cánh buôn các chợ ở Hải Phòng, Thái Nguyên trầm trồ săn đón, cam bán chạy nườm nượp”. Ban đầu là hai thị trường truyền thống này, rồi sau ông phân phối cam xuống cả các chợ đầu mối, các cửa hàng nước giải khát, quán ăn ở Hà Nội. Nhờ buôn cam mà ông có đất dựng nhà, mở quán ăn, làm thêm kinh tế trang trại chăn nuôi ngựa và gần 40 con bò, trong đó có 20 con bò sinh sản, thu về mỗi năm từ 200 đến 300 triệu đồng”. 

Mỗi năm vụ cam chỉ kéo dài chừng 4 tháng, nhà nào giữ vườn giỏi thì được hơn 5 tháng. Cánh thương lái lại đợi đến vụ sau mới có mối làm ăn. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lại quá lớn, đòi hỏi người kinh doanh phải nghĩ, phải tính toán làm sao cung cấp thường xuyên thứ quả ngon ngọt này. Thế rồi ông tìm về Hà Nội tìm hiểu các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho lạnh để trữ thực phẩm bằng công nghệ sinh học. Nhưng cái khó với ông Tuệ vì trước nay chưa có người đi trước trong việc trữ cam để học hỏi. Bởi trữ cam đòi hỏi phải giữ được quả nguyên vẹn, từ màu sắc đến vị ngọt riêng có của cam sành Hàm Yên. Ông tìm hiểu từ sách, tư vấn kỹ thuật của nhiều người làm nghề điện tử, điện lạnh về nguyên lý hoạt động của kho lạnh. Rồi ông đúc rút, gom góp lại thành bí quyết của riêng mình. Chuyện ông Tuệ xây dựng kho lạnh trữ cam đã được tiến hành, làm rộn rã cả vùng…

Mong ước vượt non

Trên khu đất của gia đình rộng chừng 1.000 m2 tại thôn Phù Yên, ông Tuệ quy hoạch xây dựng 3 kho lạnh, trong đó hai kho lớn đảm bảo sức chứa 150 tấn cam/kho, một kho nhỏ chứa cam xanh già tháng nhằm phục vụ thị trường trong nam với sức chứa khoảng 40 tấn. 

Ông Tuệ cho biết, cầu kỳ nhất là phương pháp thi công xây dựng kho, sau khi thi công phần móng chắc chắn, nền của kho lạnh được ông đặt lớp xốp chuyên dụng chịu tỷ trọng cao, sau đó phủ toàn bộ ni lon lên bề mặt xốp này, cuối cùng là lớp bê tông mác cao được phủ lên. Xung quanh kho được bao lớp tôn lạnh bên ngoài, bên trong là lớp xốp chuyên dụng. Ông thuê người lành nghề điện tử điện lạnh để thiết kế hệ thống máy làm lạnh giữ nhiệt độ của kho. Hệ thống này ngoài tính năng giữ nhiệt độ dao động từ 4 đến 5oC còn giúp điều hòa phân cấp hơi ẩm đều trong kho. Đồng thời, hệ thống lọc khí cũng được thiết kế tạo môi trường chống và diệt khuẩn, nấm, mốc cho cam, bảo đảm cam không thối hỏng bằng phương pháp bảo quản sinh học, an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, cửa kho lạnh là cửa chuyên dụng bảo quản cam, đảm bảo cách nhiệt tốt. Kho lạnh còn được trang bị hệ thống điều khiển có hiển thị nhiệt độ phòng lạnh, cảnh báo sự cố (nếu có) để kiểm soát hoạt động của cả hệ thống. Phương pháp này giúp cam lưu trữ được trong kho từ 4 đến 5 tháng. Toàn bộ hệ thống kho được ông đầu tư trên 6 tỷ đồng.

Ông Tuệ còn đầu tư hệ thống máy test hiện đại để kiểm tra chất lượng cam. “Cái máy này hiệu quả lắm, nó không biết nói dối, nếu cam không đạt chất lượng là nó báo ngay, kinh nghiệm chọn cam không thể lại được. Làm ăn mà cứ dựa mãi vào kinh nghiệm thì khó mà thành. Phải biết dựa vào khoa học để nâng tầm sản phẩm, đó là cách để mình giàu lên”- Ông Tuệ bộc bạch. 

Niềm khát khao về sự thành công cho cách làm mới với trái cam sành ánh lên trong ánh mắt, nụ cười của người từng trải nghiệp buôn. Ông Tuệ tin rằng, sự thành công của mình sẽ tiếp bước hành trình đưa trái cam vượt non với giá trị cao hơn, người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Do hoàn thành xây dựng kho không kịp vụ cam năm nay nên ông Tuệ chỉ thu mua được trên 100 tấn cam để lưu trữ. Ông Tuệ nhẩm tính, khoảng tháng 5, tháng 6, ông xuất bán ra thị trường thì giá cam sẽ lên tới 30 nghìn đồng/kg trở lên, cao hơn 3 lần so với giá cam bán chính vụ. Như vậy, người trồng cam thắng lớn... 

Phóng sự: Thùy Linh



Các tin khác